Monday, April 11, 2011

CAI BICH XOI

Trong cuộc đời bình thường này, có một vài thứ rất bình thường nhưng nó có một giá trị tinh thần lớn hơn và lâu dài hơn chúng ta nghĩ. Cái bịch xôi mà tôi mang đến cho thằng Hậu Bào một sáng sớm tháng 3 năm 1974 là một trong số đó.


Năm học lớp 12, tôi dọn đến ở chung với thằng Tài Bột trong hẻm bánh bèo “Bà O”. Chúng tôi phải đổi chỗ ở mấy lần mới định cư được chỗ này. Đây là một phòng ngủ nhỏ được mở cửa bên vách nhà: 3 mét rưỡi, 4 mét rưỡi, có sẵn giường 1mét 4, bàn học. Cái lối nhỏ dắt vào phía sau nhà khá chật hẹp: 9 tất. Cái khoảng trống trong phòng là nơi sinh hoạt chánh của hai đứa tôi. Từ lúc dọn đến đây, tháng 10 năm 1973, chúng tôi chẳng có gì nhiều để làm. Trưa tôi ngủ lại trên bãi cỏ dưới các bóng cây bách tùng hoặc trên bàn học. Chiều hết giờ học, tôi mài ở trong lớp đến khi không còn ít ánh sáng nào để đọc được nữa hoặc có khi tôi đá banh với tụi trong lớp. Tôi phải ghé lại nhà trọ cũ để tắm, rửa ráy trước khi ra quán cơn Thiện. Xong bữa cơm chiều, tôi đi thẳng về nhà khi mà Tài Bột đang học bài. Khi tôi thức dậy để học, lúc 1 giờ sáng, thì nó đã đang ngủ say. Chủ nhật trời có mưa là ngày chúng tôi có vài sinh hoạt chung. Chúng tôi cắt tóc cho nhau, giặt đồ, hoặc nó hỏi bài tôi.

Con nhà khá giả,Tài Bột đã không phải lo gì đến chuyện tiền bạc. Một sáng chủ nhật nó mời tôi ăn sáng ở bún bò Duy Khải và rủ tôi ra chợ. Hắn mua một bếp dầu hôi, một ấm nước nhỏ, một cái ca nhựa và một ký lô bột gạo lức “Bích Chi” hai lon sữa hộp và nửa ký đường. Từ khuya hôm ấy, lúc 3 giờ, tôi có cái để tẩm bổ- bột “Bích Chi” quấy lỏng như sữa. Sáng đến, trước giờ đi học, có khi nó bảo tôi pha chế một lần nữa cho hai đứa tôi. Trong lúc nấu một ít nước sôi, tôi quậy một ít đường với bột sau đó trộn với ít sữa đặt. Tôi dùng muỗng quét cho hỗn hợp trộn đều nhau. Tôi quậy đều tay khi chăm nước vào để bột không bị đóng cục. Đứa nào trong lớp tôi cũng tỏ vẻ tiều tụy nhưng Tài Bột thì không. Thằng Trọng Cọp -một trong những cây tếu lâm lớp tôi - nhận xét,

“Thành Xì nuôi em khéo quá. Từ ngày ở chung với nó, Tài Bột ngày càng trắng hồng phải không tụi bay? ”

Hình như sáng nào chúng tôi cũng chia nhau hơn nửa ca nước bột Bích Chi như thế.

Một hôm Tài khoe với tôi là có người quen ghé thăm và mẹ có gởi cho một ít đồ ăn. Hắn vừa chỉ vào cái thùng giấy ở cạnh cái bàn học vừa nói với tôi:

“Mày cần ăn gì thêm, cứ lấy đi nhé. Ăn cho có sức học. Mẹ tao bảo nếu cần, hằng tháng bà gởi xe lên”.

Tôi không đáp gì mà chỉ liếc nhìn vào trong thùng. Tôi nhận thấy một bịch nếp khoảng 5 ký và nhiều lọ, hũ, lon sữa hộp giấy....

“ Thành Xì này, ngày mai mình “thổi” xôi ăn nhé. Mẹ tớ có gởi cả một bịch muối vừng sẵn rồi.”

Sáng hôm sau chủ nhật, hắn dậy sớm hơn thường lệ. Thấy tôi còn ngồi mài trên bàn học, hắn tự nguyện vo nếp trong khi đi ra sau đánh răng. Tôi châm cái bếp dầu xong khi hắn kệ nệ mang cái nồi vào. Cái nồi cơm cho 5 người ăn chứa hơn phân nửa nếp trong đó đã được hắn vo trắng tinh. Bị tôi cằn nhằn, hắn mới lên tiếng thú nhận đây là lần đầu tiên trong đời hắn làm cái gọi là “vo” này. Hắn lên tiếng:

“Mày cứ nấu đi, có thừa thì mình ăn dần.”

Nhà Tài Bột là một tiệm bán gạo ở Tam Hiệp, Biên Hòa. Nếp này chắc thuộc loại ngon nhất, dẻo, thơm và chắc do mẹ nó tuyển chọn. Tôi không thích nếp lắm còn hắn thì đây là lần đầu tiên hắn ăn “nếp với muối vừng.” Hai đứa tôi cố tọng hết cở vậy mà nồi xôi nếp còn lại những hơn phân nửa. Hắn bảo tôi kiếm chỗ nào bỏ đi vì bà chủ nhà tôi không có nuôi lợn.

Trong những ngày hè năm lớp 11, Hậu lấy chiếc xe HonDa của ba nó đi chơi hàng 10 ngày mà không xin phép. Hàng ngày trông ngóng tin tức của nó, ba nó rất đau buồn.

“ Bác có một mình nó. Nó không biết lo thân. Một mai bác có ra đi, ai lo cho nó đây? ” Ông than thở với tôi khi có dịp nhìn thấy tôi đi học thêm ngang nhà. Ông chắc có lên tiếng la mắng nó cho nên nó âm thầm có thái độ chống trả ngay sau đó.

Từ ngay những ngày đầu năm học lớp 12, Hậu Bào tỏ ra ngạo mạn. Nó bất chấp nỗi buồn của ba nó. Nó bộc lộ sự câm tức lên những nạn nhân của nó. Nó đánh nhau với bất cứ ai dám liếc nó một cái. Nó hỏi tội bất cứ thằng nào mà có không thích nhìn. Tối đến, nó miệt mài ở quán cà phê Quỳnh. Khuya nó chong đèn để đọc các truyện dịch- Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Chiến tranh và tội ác, Anh em nhà Karamazov. Cậu Doản, Thắng Cọ và Hải Bầu bị lôi cuốn vào những cuốn sách dịch và những ly cà phê đen, những gói thuốc đen. Cái mùng mà nó thường ngủ cũng ngả màu đen. Thi rớt tú tài có thể làm đen cuộc đời, nhưng Hậu Bào có hoản dịch gia cảnh cho nên nó đâu có sợ. Nó cứ để tóc dài. Nó ưa mặc cái áo kaki nhuộm nâu mà vô tình bị lem luốc trông rất nổi. Thầy Luân có lẽ là người rất có ấn tượng với nó, nhất là khi nó đi trễ trong giờ của thầy. Băng chúng tôi không bị tan rả nhưng ngày càng rời rạc. Phúc Lùn về Cần Thơ lại vì bị tuổi quân dịch. Hét Quắn tập Taekondo, lầm lì, ăn chay và không còn ngủ chung mùng với Hậu Bào nữa. Trọng Thỏ thành trưởng lớp nên nó mài nhiều hơn và không màng gì đến Hậu Bào. Tôi- ở với Tài Bột- có một cách sống rất khác cho nên tôi rất ít gặp nó- Hậu Bào- một tay anh chị của khóa tôi.

Sáng thứ hai, sau khi bỏ lại nồi xôi và chén muối vừng cả ngày không rớ tới, tôi hỏi Tài Bột,

“Tính sao đây mậy ?”.

Nó mỉm cười, “Mày xem xem có chỗ nào vứt nó đi nhé.”

Tôi không hỏi thêm gì nữa. Tôi ra sau phía nhà cầu nơi mà chúng tôi đồng thời tắm giặt. Tôi trút hết xà bông bột vào cái ca nhựa bể. Mở vòi nước máy, lạnh ngắt, tôi cố rửa sạch cái bịch xà bông bột nhiều lần và nhận ra rằng tôi khó lòng nào làm mất đi cái mùi “sút” của nó được. Mang bịch ny lon vào đến phòng, tôi lóe lên một ý kiến. Tôi đơn giản trở bề trong của nó ra ngoài rồi tôi tọng hết số xôi vào đó cho đến khi nó đầy ứ. Túm nó với cái bịch muối vừng vào trong cái áo len cũ, lúc khoảng 6 giờ 5 phút, tôi chào Tài Bột để đi trước.

Trời tháng giêng lạnh ẩm ướt. Tôi thẳng một mạch đến nhà trọ cũ- nhà Ông Bảng. Tôi hé cửa bước vào khi mà phía bên trong còn mờ tối. Hai ba cái mùng còn mắc trên giường. Nhìn thấy Trọng Thỏ từ sau nhà bước lên, tôi hỏi trổng lốc,

“Thằng Hậu Bào còn ngủ hả?”.

“9 giờ cậu mới dậy chứ.” nó cầu nhầu trả lời cục ngủn.

Tôi chẳng buồn hỏi thêm gì nữa. Thay vào đó tôi rút ra một trang giấy trong cặp đi học và cây viết. Tôi viết rất nhanh,

“Hậu Bào! Ăn hết đi. Thành Xì”.

Đặt bịch xôi lên trên mảnh giấy trên bàn, không buồn chào Trọng Thỏ, tôi lẳng lặng bước ra đi học, sớm hơn mọi khi.

Từ hôm đó, tôi không hề nhớ ít gì về cái chuyện ấy.

Trong một đám giỗ Ông Nội của Bậu Bào, tháng 3 năm 2004, có tôi, từ Rạch Giá qua Cái Vồn- Vĩnh Long để dự với nguyên nhóm bạn NLS Bảo Lộc ở Cần Thơ qua. Sáu Hậu, tên mới của nó- rất dân dã, rất hợp với cái vai nông dân của nó ở đây, rất mừng vui vì hình như nó trúng mùa vụ này. Nó nhậu quá chừng và nói năn huyên thuyên. Đám bạn ở đó cũng rất thân với chúng tôi. Khoảng hơn 15 chàng tuổi U 50, chè chén, đờn địch, kể chuyện tếu, chuyện ruộng nương và chuyện đời thường. Hơi ngà ngà say, Sáu Hậu đã bá vai tôi trong khi kể lớn cho cả bàn nhậu nghe:

“ Hồi đó tao đâu chịu học như nó đâu. Chơi quá mà, có gì tao cũng bán hết. Thằng Thành Xì này khôn lắm. Nó không cho tao gạo- sợ tao đem bán. Nó cũng không có tiền đâu mà cho mấy thằng hư hỏng như tao. Nó đã đem cho tao một bịch xôi, vậy thôi, chuyện của 30 năm về trước.

Rach Giá Sep 26,09

Lương Ngọc Thành

Thành Xì TL-71-74

1 comment:

  1. Hі my lοved one! I want tο saу that this аrtiсle is аwеsοme,
    gгeat writtеn and include approхimаtelу
    аll vital infοѕ. Ι'd like to see extra posts like this .

    Here is my page: payday loans

    ReplyDelete