Tuesday, May 31, 2011

CÁI BƯỚU CỔ CỦA MẸ TÔI

Tôi không biết mẹ tôi có cái mụt bướu đó từ khi nào, nhưng tôi biết rất rỏ vì sao và lúc nào nó đã biến mất.


Gia đình chúng tôi dời về Cần Thơ vào năm 1964. Tôi vào họp lớp 4 trường Tham Tướng và ba tôi thuê được một căn nhà lá, trong hẻm- kế cận một người đồng nghiệp. Cách đầu hẻm khoảng năm căn nhà, từ hẻm đến nhà thờ Tham Tướng khoảng 50 mét, nhà tôi thật dể tìm. Ba tôi là con trai cả, con một, nên được Ông nội tôi thương lo nhiều hơn hết. Vì ngày mồng 8 tháng 6 âm lịch là ngày giỗ của bà Cố, vì đi xuống Cần Thơ không quá khó, địa chỉ dể tìm, vào ngày 6 tháng 6 âm lịch, ông nội tôi đã một mình xuống thăm gia đình tôi và đưa ba tôi về Sài Gòn dự đám giỗ. Tìm đến nhà lúc 4 giờ chiều, ông tôi mới hay là mẹ tôi sửa soạn đi nhập viện để ngày mai mổ một cục bướu to bên phải sau khi đã uống thuốc, khám nghiệm và được chuẩn y rồi. Ông tôi ngăn cản ngay vì cho rằng hai anh em tôi còn nhỏ quá. Theo cách nói có vần có điệu, ông tôi giải thích với mẹ tôi rằng,

“Tụi nó còn con nít con nôi. Có bề gì, tội nghiệp hai đứa phải mồ côi mồ cút?”

Quý chuyến thăm bất ngờ nhiều ý nghĩa đó của ông tôi, mẹ tôi đi cất ngay cái giỏ đồ. Tôi đến giờ còn có thể vẽ ra cái giỏ đựng đồ dùng cá nhân của mẹ tôi, màu đỏ, chứa bình thuỷ, khăn mền, hai hộp sữa và một cái ca nhựa. Tôi vui mừng có ông nội thăm. Tôi vui mừng vì mẹ tôi không phải đi mổ. Tôi còn nhớ cái giấy cam kết ba tôi đã ký đồng ý, cái con dấu đỏ, chữ ký tên của bác sĩ Trần Ngọc Châu. Vì gần sau này mẹ tôi không thể nhai được nên bà nấu nuôi cho cả nhà ăn. Tôi còn hình dung ra cái tô nui mẹ tôi làm cho 2 anh em tôi- thơm ngon và quả là mẹ như một thợ nấu trong nhà hàng. Có thể tôi đã nghe đâu mẹ tôi đã phải mang mụt bướu ấy hàng 7- 8 năm gì rồi. Vì còn nhỏ, tôi đã không hiểu mức nguy hiểm, phản ứng phụ hay di chứng gì của ca mổ cả nhưng tôi hiểu ra một điều là bác sĩ Châu - Đại uý quân y, có tiếng ở Cần Thơ. Tôi chỉ mong sao sau ca mổ mẹ tôi không còn phải ăn cháo, ăn nuôi, không còn nghiên đầu qua bên phải, không còn phải thường đưa tay lên vuốt vuốt, không còn phải mở một nút áo sát trên cổ. Tôi mong sao mẹ tôi sẽ vẩn còn là mẹ tôi.

Sáng sớm hôm sau, theo một thói quen cố hữu, đi bộ ra chợ Tham Tướng để uống cà phê. Về nhà lúc trời vừa có nắng nhẹ, ông tôi kêu lên là hơi mệt và hơi khó chịu. Y tá gần đó đến ngay để đo huyết áp, chích cho ông vitamin hay thứ gì đó giúp ông mau khoẻ. Trưa ấy bên nhà kế bên của chú Nhuệ có tiệc nhỏ. Ông tôi được mời qua dự. Cả bàn tiệc chào mừng ông, chúc ông mau khoẻ. Họ khuyên ba tôi nên ra xe về Sài Gòn trước. Vốn ít nói và chẳng muốn để ba tôi về làm đám một mình đâu, ông tôi không có ý kiến gì khác. Sau giờ cơm trưa hôm đó, hai anh em tôi đi tắm mương nhỏ ở trong khoảng nửa hẻm. Cùng lúc ấy, ba và ông tôi vừa xong bửa tiệc. Ba tôi lên đường đi Sài Gòn ngay. Vừa bước về, vừa nghe hai đứa cháu nội đang tắm lúc nắng trưa như vậy, ông bảo mẹ tôi:

“Xấp nhỏ đâu có biết bơi, biết bung gì đâu. Con nít con nôi đi tắm ao tắm hồ phải có người lớn coi chừng chớ. Kêu hai đứa nhỏ về đi con!”

Mẹ tôi vâng lời ông và chúng tôi vâng lời mẹ. Tôi vào nhà khi ông tôi đang nằm nghỉ trên giường. Khi tôi đang thay đồ ngay bên cái tủ áo thấp nhỏ ngay cạnh giường, tôi thấy rất rỏ ông tôi tựa một cùi chỏ lên cái gối ôm to, vấn một điếu thuốc. Vừa mặc xong cái quần đùi, tôi cũng vừa thấy ông tôi đặt cái điếu thuốc chưa kịp mồi, lên trên mép giường. Ông kéo cái gối ôm để tựa đấu lên và ngay sau đó ông co hai tay lên, hít thở sâu vào và co giật mấy lần. Nhận ra chuyện bất thường, tôi chạy vội ra phía trước nhà để báo cho chị tôi. Khi hai chị em cùng bước vào, mẹ tôi cũng từ phía sau nhà bước lên và chính mắt mẹ tôi mục kích cái giây phút ông tôi ra đi.

Là người đàn bà đang bệnh, ba đứa con nhỏ, chồng vừa đi vắng , mới về một xóm lạ, mẹ tôi kêu rên đau đớn khôn cùng. Nghe theo lời bàn bạc của ai đó, mẹ tôi bảo chị tôi lập tức ra bến phà Cần Thơ để kịp ngăn ba tôi lại. Không gặp ba tôi, chị tôi, 14 tuổi, một mình đi ngay lên Sài Gòn để báo hung tin. Thật may cho ba mẹ con tôi khi mà rất đông người hàng xóm trong cái hẻm đó tự nguyện đến phụ giúp. Vài người mang cả máy may để lo giúp những bộ đồ tang. Có người cho mẹ tôi vay tiền. Có nhiều thanh niên dựng lên tấm bạc che. Hai anh em chẳng biết phải làm gì nữa. Trong đêm tang tóc đầu tiên đó, mẹ tôi không ăn uống được gì. Mụt bướu vẩn còn gây đau vướng víu, sưng đỏ. Nhiều người đàn bà ái ngại cho mẹ tôi. Nhiều người khuyên mẹ tôi đi mổ sau khi an táng ông tôi xong.

Chiều hôm sau đó, một đoàn người bà con của tôi từ Sài Gòn xuống. Ông Chín, em chú bác với ông tôi, đại diện, tổ chức và tẩn liệm cho ông tôi. Theo tục truyền: “Người mất đi có thể giúp mang theo xuống thuyền đài cái bệnh nan y, thương tích cho người họ yêu thương, quan tâm nhất.”

Ai cũng đồng ý rằng ông tôi chủ ý xuống thăm chúng tôi. Ông tôi cố gắng ngăn mẹ tôi đi mổ. Ông tôi dường như cố ý để mẹ tôi nhìn mặt lần cuối. Ông tôi có thể giúp mang đi cái mục bướu đó. Kêu mẹ tôi đến bên giường, Ông Chín tôi nắm tay của ông tôi đặt lên cái khối u sắp được giải phẩu ấy của mẹ tôi, rồi vừa vuốt vừa nói khá to trước khi lịm:

“Anh Tư ơi! Anh thương dâu thương cháu anh mới về đây thăm rồi ra đi ở đây. Con dâu anh có tật nguyền, có u có bệnh, anh giúp đem bỏ nó đi nghe anh?”

Khi cả đoàn người và gia đình chúng tôi đưa hòm của ông tôi về Sài Gòn, cả xóm ra tiển đưa. Ai nấy đều tội nghiệp cho mẹ tôi. Ai nấy đều mong ngày chúng tôi trở về. Ai nấy đều muốn biết cái gì sẽ ảnh hưởng đến cái mụt bứu của mẹ tôi.

Bên nội tôi có khá nhiều bà con. Trên làng An Hội, xã Thông Tây Hội- Gò Vấp đó, nhiếu người biết gia đình ông nội tôi nên đám ma khá lớn. Trong bốn ngày hoàn lại đó, mẹ tôi quên bẳng đi cái chướng ngại vật ngay trên cổ. Mọi người bên họ nội của tôi chẳng ai màng đến cái gì về mẹ tôi cả. Cô Bảy của tôi, người khá giả nhất, lanh lợi nhất, và dĩ nhiên có thế lực trong gia đình nhất, đã trách móc mẹ tôi đủ điều.

Thế rồi ngày chôn và ba ngày sau là ngày mở cửa mã cho ông nội tôi cũng đã đến.

Mọi chuyện tạm ổn và mọi người tạm yên lặng nghỉ ngơi. Mẹ tôi và hai anh em tôi đang nằm trên bộ đi văng khi mẹ tôi lêu lên:

“Ôi trời ơi, Nó lặn rồi nè!”

Bà bật dậy tuột xuống và đến ngay trước tấm kiếng lớn. Cái mụt bứu bây giờ chỉ còn phân nửa, không còn đỏ hồng như trước. Mẹ tôi không còn thấy vướng víu khi nuốt và bà không còn phải nghiên cổ về một phía. Mẹ tôi ăn uống như bình thường và quan trọng nhất là mẹ tôi không phải đi mổ, không còn làm chúng tôi lo sợ phải bị mồ côi sớm.

Khoảng 8 ngày tính từ khi chúng tôi rời Cần Thơ đến lúc mẹ con chúng tôi trở về nhà. Cả xóm đến mừng, hỏi thăm, rờ mó cái mục bướu- nay không còn nữa. Biết bao nhiêu lời trầm trồ, bao nhiêu tiếng xuýt xoa, bao nhiêu câu nhắc nhở ông nội tôi và biết bao nhiêu niềm vui, kinh ngạc thậm chí là ganh tị vì mẹ tôi được một phép mầu- cái bướu cổđã biến mất.

No comments:

Post a Comment