Monday, August 6, 2012

PHƯỚC MỌI

Ai từng đá banh trong trường đều phải nể Phước Mọi, TL 73, và ai từng chơi với Long Kh’mer đều phải biết cái tay có cái tên rất “độc”, có cái tướng đi nghênh ngang và có gốc tích ở Hà Tiên này- nhưng ít ai biết cái quãng đời độc đáo của hắn.


Tôi tình cờ là thầy dạy của thằng cháu ruột của Phước Mọi kẻ đã thắc mắc ngay hôm đầu tiên đến học khi nhìn thấy cái bảng tên trường NLS Bảo Lộc tôi treo trên tường ngay trên kệ sách. Hắn báo ngay cho chú út về cái tên ông thầy Lương Ngọc Thành, NLS Bảo Lộc.

Trên điện thoại, Phước Mọi vào đề trực khởi liền,

“Ông học ở lớp nào vậy?”

Tôi cũng lẹ miệng đáp ngay,

“Lớp của Tâm Dê- bida Mỹ Khanh- Trọng Cọp đó, biết không?”

Thế là hắn biết ngay tôi là ai. Phước Mọi và tôi đã chính thức gặp nhau tháng 10 năm 1995 tại nhà tôi sau khi hắn gọi điện hẹn giờ gặp. Mang đến chai Johny Walker, chờ tôi đi dạy về lúc 9 giờ, chúng tôi lai rai hàn huyên trò chuyện về nhiều thứ nhưng xoay quanh hai nhân vật chánh Long Kh’mer và Liên Hải Cẩu cho đến nửa đêm. Nghe kể hắn sắp mở một tiệm phở, tôi phát thảo chữ phở “tàu bay” theo ý của hắn rồi làm cho hắn một cái sign bằng mica. Cũng học Thủy Lâm như tôi, hắn hoan hỉ đóng thùng mang về Úc cái hộp đèn tôi đã làm với một dự tính làm giàu bằng nghề bán phở. Cứ khoản hai năm Phước Mọi về thăm quê hương hay về bất ngờ vì những dịp đặc biệt. Hắn là một đọc giả thường xuyên của tôi trên nlsbaoloc.com. Có vài lần tôi nghe điện thoại của Phước Mọi từ Úc. Có lần hắn gọi tôi từ Cần Thơ trong khi qua thăm Khuê Bầu- trưởng lớp. Thỉnh thoảng hai đàng gặp nhau, 2 lần tại nhà tôi, 1 lần tại nhà Đăng Thúy và mới đây- sáng sớm ngày 1- 9-2011, tôi một mình với cây guitar đeo trên vai, chạy Vespa Piaggio cũ đến Hà Tiên để đối ẩm với hắn. Để hiểu biết thêm về 2 nhân vật mà cả hai chúng tôi quan tâm, để giải bày tâm sự, và nhất là để hiểu thêm lẩn nhau, tại bải biển “Mũi Nai” lộng gió từ 10:30 giờ sáng, rồi về nhà cho đến 10:30 giờ tối, 2 đứa tôi đã uống cạn 8 chai Volka khổ nhỏ, đã tọng 5- 6 loại ốc sò và “mồi bén”- đồ hải sản tươi sống.

Mồ côi mẹ từ năm lên 7 tuổi, Phước Mọi- em trai út- theo ông anh hai Lâm Văn Rầm về Bảo Lộc sau khi ảnh lập gia đình năm 1966. Anh hai Rầm thoạt đầu là lính tiểu khu và chị dâu- Thy Bảo- nhân viên của tòa hành chánh B’Lao. Hai năm sau, khi anh chị hai có đứa con đầu lòng, Phước Mọi- chú Út- chịu nhiều vất vả với thằng cháu đích tôn của ba nó. Sau một thời gian Anh Hai Rầm biệt phái về Tân Phát làm Hiệu Trưởng trường tiểu học Thiện Lập. Không bao lâu sau đó, trường phát triển thành trường trung học đệ nhất cấp Thiện Lập- với 2 lớp đệ thất, đệ lục có học các môn Nông Lâm Súc năm học 68- 69. Phước Mọi theo anh hai để là một trong những học sinh ở đó trước khi trở thành học trò NLS Bảo Lộc- TL 73. Như một vài huynh đệ tài hoa trong trường mình, Phước Mọi có hai cái tài- đá banh và chơi bida. Hơn tôi- kẻ học lóm, Phước Mọi là người đi học đàn guitar của thầy Phi một cách chuyên cần. Y ta từng chơi thành thục nhiều bài trong quyển Carruli. Như cái cách được đặt tên tục của mọi đồng môn khác, có lẻ màu da đen khá đặc trưng của Phước Mọi khiến y có một nick name độc nhất vô nhị ấy.

Long Kh’mer, với tư cách là huynh trưởng hướng đạo, đã đích thân đến tận nhà trọ của Liên Hải Cẩu để thăm nàng. Căn nhà của Bác Tố đó có 4 mỹ nữ ở trọ- Thanh Thủy, Thế Thạnh, “Võ sĩ” Cúc và Liên Hải Cẩu. Đành rằng nói là để dạy cho Liên đánh semaphore và đánh morse, Long Kh’mer còn thầm muốn một điều gì nữa cơ. Nó bấn loạn thế nào mà lần đầu ra về, hắn để quên lại cây cờ và lần thứ hai hắn để quên cả đôi giày. Với bao nhiêu ưu ái, bao nhiêu điều muốn dành cho Liên Hải Cẩu như thế, nên sau khi tình cờ vừa nghe nhắc đến cái tên Phước Mọi, “đàn anh” Long Kh’mer liền nổi cơn thịnh nộ. Long Kh’mer sai Bình Bon đi tìm gặp Phước Mọi để hẹn ngày giờ “song đấu” để xem ai hơn ai. Cái dũng khí, cái tính cách của Phước Mọi được Long Kh’mer kết ngay. Họ kết tình bằng hữu sau một chầu cà phê sau một lúc chuyện trò. Phước Mọi được Long Kh’mer mời về nhà. Dỡ bức tranh đang treo trên vách nhà, Long Kh’mer tặng ngay cho Phước Mọi cái “kiệt tác” ấy của nó. Phước Mọi đã kinh ngạc và quý vô cùng cái món quà có cái tiêu đề “Ơn cha nghĩa mẹ” đó của Long Kh’mer, cái bức tranh mà tôi cũng còn nhớ và rất muốn sao chép lại cho đến ngày hôm nay. Trước ngày vượt biên, tháng 7 năm 1978, Phước Mọi ân cần dặn những anh chị ở lại gìn giữ bức tranh ấy một cách cẩn trọng. Tình bè bạn đã khiến Phước Mọi rất mong muốn rồi đã hứa đưa Long Kh’mer đi vượt biên cùng một chuyến với hắn. Quỳnh -vợ Long- rất cảm kích tấm thạnh tình đó của Phước Mọi. Tôi thường nghe Quỳnh nhắc tên vị “ân nhân bất thành” này trong những cái hè năm 76- 77 khi tôi lên tá túc nhà Má Chánh trên Bảo Lộc.

Bám trường, bám niềm hy vọng cho đến ngày 26 tháng 3- 1974, ngày cuối cùng để “chạy”, Phước Mọi mới chịu rời Bảo Lộc. Y theo đoàn người di tản xuống Phan Rang rồi Cam Ranh và bay đến Nha Trang trong khi có anh hai Rầm ra đó. Ngày 10 tháng 4, hắn chen nhau lên tàu Hải Quân từ Nha Trang về Sài Gòn. Hắn phải cởi bỏ sợi dây chuyền đang đeo để đổi lấy một phần lương khô và nước uống từ một tay sĩ quan. Gặp ông già đang ở Sài Gòn, Phước Mọi quên ngay bút nghiên, bóng đá và mọi thứ khác để xuống tàu đi đánh cá với người cha già- vừa hết lòng thương vợ thương con vừa yêu nghề đi biển. Chỉ có mấy ngày sau giải phóng, Phước Mọi trở thành một ngư phủ. Một hôm, tàu đánh cá của Phước Mọi gặp một tàu vượt biên từ Mỹ Tho với 80 thuyền nhân. Xuất phát từ ngày 1 tháng 5, bị hư máy nặng, vị thuyền trưởng- một thiếu tá- cầu cứu. Y xin mua lại dầu, nước uống, gạo và cá của tàu Phước Mọi nhưng rồi y và vài tay sai hung tợn đã dùng vũ lực uy hiếp ông già lái tàu đi Thái Lan. Vừa đến Patthaya- bên bờ biển phía Đông của vịnh Thái Lan, dù được một gia đình Mỹ bảo lảnh ngay nhưng Phước Mọi từ chối ngay. Tàu bị neo tại cảng Chon Buri cho đến tháng 8- 1975- ngày mà tất cả thuyền nhân được tiếp nhận, Phước Mọi, anh thứ Bảy và ông già lái tàu trở về Việt Nam. Sau khi bị giam giử 3 tháng để hỏi cung, Phước Mọi chia tay anh Bảy và người cha đáng kính để trở lên Bảo Lộc. Đầu năm 76 Phước Mọi về NLS Bảo Lộc đi học lại.

Trong lòng trống trải, bạn bè cũ tan tác mỗi đứa mỗi ngả, ê ẩm vì cái thực tế vừa mới trải nghiệm, cái thiện cái ác lẩn lộn, cái hiểu biết và cái ngu dốt đan xen nhau, Phước Mọi không thể vui học như trước nữa. Dẫu còn nhớ hoài cảnh dành nhau từng miếng ăn, cái tồi tàn của một vài kẻ trí thức lừa gạt nhau để có một chút nước uống hay cái cách người ta sẳn sàng giết nhau để có một chổ lên tàu, hắn đã cố học xong trung học. Hắn phải cùng với học trò bên tỉnh- trường Lê Lợi cũ- thi tú tài. Chẳng biết phải làm gì nữa, Phước Mọi trở lại quê nhà. Ở Hà Tiên, dù có nhiều tình thương yêu chăm sóc của anh chị em, không biết làm gì nữa, hắn đã ra khơi và đến Úc.

Đúng là dân Thủy Lâm, giống như tôi, hắn có bá nghệ. Bà xã hắn quý thương chồng. Khi được giới thiệu tôi là “đàn anh”, phu nhân của Phước Mọi đã chào tôi một cách nhả nhặn lịch sự. Hắn kể với tôi rằng hắn- giống như biết bao Việt Kiều khác- đã nhiều năm vất vả với nhiều nghề khác nhau ở Melbourn. Hắn được sự giúp đở của gia đình và thương quý của hai đứa con trai- một hiện là dược sĩ. Dù mập phệ ra như một tay tài phiệt, Phước Mọi vẫn có phong thái trẻ trung, nhanh nhẹn, vẫn còn nhớ rất nhiều điều, hát những bản tình ca, chơi các khúc classic từng tập thời còn đi học. Gặp được y quả là một điều may mắn. Tôi đã “phỏng vấn” hắn, ghi ghi chép chép như một tay phóng viên. Hắn nheo mắt, gợi nhớ và kể lể. Bốc cây guitar lên, hắn hát một khúc. Đàn một đoạn, hắn tâm tình,

“Ở bển làm sao được như vầy. Bên Úc mà, như ông biết rồi đó, trống trơn như sa mạc. Thôi! Vô đi, Thành Xì!”

Ngoài việc về tảo mộ cha mẹ, thăm viếng gia đình các anh chị, giống như bất cứ Việt Kiều nào đã từng học ở NLS Bảo Lộc, điều làm hắn phấn kích, khoái chí nhất là những gì có liên quan đến trường cũ, bạn học, những kỹ niệm và nhất là mặt đối mặt, ly cụng ly, câu hỏi câu đáp, tiếng hát tiếng đàn. Phải vậy không Phước Mọi?



Rạch Giá 24- 11- 2011

Thành Xì- TL 71

No comments:

Post a Comment