CÁI TẾT TẠI GIA ĐÌNH NUÔI
Tôi vừa mới là con nuôi trong một gia đình trung lưu hạnh phúc ở Sài Gòn. Với riêng tôi, cái tết ấy đã thật không phải là tuyệt vời như nhiều người nghĩ.
Biết má nuôi tôi không bao lâu, về nhà những cuối tuần cũng không bao lâu, tôi phải đối mặt với một điều khó xử: nghỉ hè ở đâu? Ở Cần Thơ, gia đình tôi đã tan tác rồi. Bên nội tôi- ở Gò Vấp, S.G- không có ai quan tâm đến tôi. Không ai màng đến việc tôi đang ở đâu hoặc tôi đang làm gì. Ba tôi khiến cho cả đại gia đình bên nội tôi quên mất tôi là ai, mặc dù tôi là cháu đích tôn. Dắt thằng Trọng Cọp đến nhà để làm nhân chứng, tôi giới thiệu với bà má nuôi rằng nó cùng tôi lên làm cho một lò nem “Má Chánh”- mẹ của người bạn học cũ trên Bảo Lộc. Đã khó khăn lắm tôi mới xin được bà cho tôi đi Bảo Lộc cái hè năm đó. Tôi đã phải chọn Blao để lưu ngụ 3 tuần nghỉ hè như một loài chim phải bay đến một nơi để tránh cái nóng. Hết hè đến tết. Chẳng lẻ nào tôi lại xin bà má nuôi đi Bảo Lộc một lần nữa trong những ngày tết này ? Chẳng lẻ nào tôi lại phải như một con chim “tránh Xuân” nữa hay sao? Ước chi tôi là chim để tôi có thể bay lên Bảo Lộc, bay về tổ.
Tôi đành phải ở với gia đình nuôi tết năm ấy-1976, lần đầu tiên tôi ăn tết xa nhà, lần đầu tiên tôi phải đóng kịch, phải dối lòng, phải phủ phàng với chính gia đình tôi. Tôi trình cho ông già nuôi cái giấy phép do trường cấp. Trên đó có ghi rỏ địa chỉ nơi đến: 20 A Võ Thị sáu - P: 4, Q: 1. Tôi thật thà đưa cho bà má nuôi hết những thứ tôi nhận từ trường, những cái gọi là “nhu yếu phẩm” như: hai bao thuốc lá, ½ kí đường, và một hộp bánh mức. Thằng em út trong nhà- Hải Dốt- là người thích tôi nhất vì nhiều lý do. Tôi có những điều nó thích. Tôi chịu uống cà phê với nó và nghe nó kể chuyện. Tôi uống rượu suốt với nó và chú ý nghe nó tếu suốt bửa nhậu. Vậy, với tôi, người bầu bạn quan trọng trong nhà là nó. Còn đối với nó, tôi là người nó cần để “đối ẩm”. Má tôi đâu có biết gói bánh tét nhưng hàng năm bà đặt một cái lò nấu bánh chuyên nghiệp gí cho 20 đòn. Năm ấy bà hỏi ý kiến trong nhà xem có nên đem các đòn bánh sống về nhà nấu hay không. Hải Dốt lên tiếng ngay,
“Má để con với anh Thành lo nấu nồi bánh tét cho.”
Bà già hóm hỉnh, nửa đùa nửa thật:
“Hai anh em vừa chụm lửa vừa nhậu mê luôn há?”
“Má để tụi con vui tết sớm chứ má.”
Thằng Hải đúng là người làm tôi “vui tết sớm”. Hai anh em tôi lo tìm ba cục gạch lớn để làm cái lò. Má tôi gọi người ta chở củi tràm đến. Tôi chẻ ra các khúc củi lớn. Ông già rất thích ngắm nhìn tôi làm việc, nhanh nhẩu, hiệu quả. Ông nhả nhặn nhờ tôi bưng lên lầu vài chậu kiểng cũ kĩ. Thằng Hải và tôi là hai tay năng nổ chịu cực nhất trong nhà. Tối giao thừa chỉ có nó với tôi ở nhà lo nồi bánh tét trong lúc những người khác đều có tiết mục, áp phe, hoặc hẹn hò để đi chơi hết. Người anh cả còn đang đi cải tạo. Ông anh ba gặp mặt lúc nào cũng nghe ảnh lè nhè. Người anh thứ tư- trách nhiệm nhất nhà- chú ý tôi nhất và đối xữ với tôi rất nhả nhặn. Anh thứ năm là một gã nghiện xì ke nặng. Anh thứ sáu và thằng thứ mười một đang ở bên Mỹ. Chị bảy duyên dáng, sắc sảo và chị ấy dè chừng tôi như một gã không lương thiện. Chị tám kiêu kỳ và có khi ra vẻ khi dể tôi. Thằng thứ chín- nhỏ hơn tôi một tuổi- đang học ĐH Nông Lâm, thích khoe khoang mọi thứ với tôi. Như Ngọc là cô em thứ mười- người thích chơi đàn ghita và âm thầm gần gủi tôi. Thằng thứ mười một cũng theo ông anh thứ sáu ra đi tại Tân Sơn Nhất ngay ngày 30 tháng 4. Hải Dốt- con út- là người có gần hết các tính cách, kinh nghiệm đời của các anh chị em trong gia đình trừ một điều: học lực và Anh Văn.
Trong khi canh nồi bánh tét, Hải kể cho tôi nghe hầu hết những biến cố trong gia đình này và riêng về cuộc đời nó. Gần với Hải được bao nhiêu là hiểu gia đình này được bấy nhiêu. Hải không tỏ ra ganh tị với tôi mà cũng không có vẻ nghi ngờ tôi vì nó tin vào phán xét của bà mẹ có nhiều kinh nghiệm. Tôi đang kể tóm tắc cho nó nghe về tôi khi pháo giao thừa nổ vang dội khu phố Đa Kao. Tiếng pháo như làm vở tung cái yên tỉnh trong lòng tôi, cái tĩnh mịch trong một cái hang xâu thẳm ở trong tôi. Gần như cả nhà chạy xuống lầu, ra đường ngắm nhìn, tận hưởng cái khoảng khắc đặc biệt nhất trong năm này. Chúng tôi tiếp tục nhâm nhi rượu thuốc với món đồ nhậu do chính tay bà già làm cho tới khi nồi bánh vừa chín và đồng hồ vừa gỏ ba tiếng.
Sáng mồng một, đến chừng 9 giờ, sau nhiều tiếng thúc giục của mẹ tôi, con cái trong nhà mới có mặt đầy đủ. Ông Bà già ngồi trước bàn thờ ông bà nội. Từng người con chúc tết. Vì anh Hai còn trong trại cải tạo, anh ba phải là người bắt đầu. Xong câu chúc thọ, ảnh ôm hôn ba, hôn má. Tôi bị choáng vì chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi làm được điều ấy cả. Kế đến là ngưòi thứ tư và tôi được xếp sau thằng thứ chín. Tôi phải cố gắng lắm mới kềm được nước mắt sau khi tôi hôn ba má nuôi của tôi. Tôi nghẹn ngào,
“Con chúc ba má sống lâu trăm tuổi.”
Mẹ nuôi tôi kéo tôi xuống, hôn trán tôi,
“Má chúc con học giỏi. Vui vẻ nhe con, Thành Xì!”
Mọi người hoan hỉ và cười đùa trêu chọc nhau, đòi tiền lì xì hoặc lì xì nhau, trừ tôi ra. Hơi bị sổ mủi vì thức khuya ngoài trời tối hôm qua, tôi cảm thấy hơi buồn bả, mệt mỏi và cô đơn. Tôi bổng thèm được tự do. Tôi thèm muốn cái không khí thật hồn nhiên, thật vô tư, thật gia đình. Thất thểu lên lầu ba, vào phòng nằm một mình, nước mắt tôi trào ra như nước suối, chảy xuống gối. Tôi thở dài và nhắm mắt lại. Tôi cố quên đi mọi thứ. Tôi bất thình lình nhớ ra câu thơ, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Thằng cháu nội trai của ông bà- Ốc Tiêu- kêu tôi ơi ới:
“Chú Thành ơi, bà nội kêu chú xuống bà nội biểu.”
“Con nói với nội chú hơi bị cảm. Một lác nữa chú xuống nghe.”
“Chú Thành chưa lì xì cho con phải không?” Thằng nhóc bước vào phòng
“Ô kìa, chú quên mất rồi. Đây nhé! Chúc chú gì nè?”
“Con…chúc chú ở hoài trong nhà này.”Ốc Tiêu như hiểu thấu lòng tôi.
Tôi nửa cười thầm nửa khóc trong bụng. Thằng bé ngây thơ đâu biết rằng tôi có thể bị ai đó hất văng ra khỏi cái nhà này. Dẩu sao nó giúp tôi nhận ra một sự thật rằng,
“Đây có phải là nhà của ta đâu? Bà mẹ nuôi thì chỉ là bà mẹ nuôi đấy thôi. Ngày xuân, vui tết là của họ. Nào ta có thật sự có vui thú gì đâu!”
Hải thức dậy rất trể. Bạn nó đến chúc tết ông bà già và bọn chúng kéo nhau đi đánh bài. Như Ngọc, ít có bạn, lộ vẻ vui gượng gạo. Cô ta trở thành người gần với tôi trong lúc này. Hai đứa tôi ở trong phòng cùng với bà già xem T.V. Hai đứa tôi tự cảm thấy dường như trong mỗi người có mùa thu hay đông gì đấy. Bà già đành phải làm cái cầu nối cho chúng tôi:
“Tụi con rủ nhau đi đâu chơi đi! Ngọc có bạn đến chơi không? Thành muốn đi đâu không con? Má lì xì thêm cho tụi con nè. Thành vui không con? Một lác nữa hai đứa theo má lên thăm bà ngoại nhen.”
Tôi lí nhí trả lời bà và cố nhoẻn miệng cười nhưng trong lòng tôi chớm muốn khóc khi tôi đang tính trốn chạy khỏi cái nơi này. Tôi được bà yêu thương, che chở. Tôi xem Hải như em tôi. Như Ngọc hiền hậu và không có vẻ coi thường tôi. Những điều ấy không đủ khiến tôi vui. Việc đi đâu đó ở Sài Gòn này có làm tôi vui được không? Việc có một số tiền lì xì có thể gíup tôi vui lên chăng? Chỉ có việc đi Bảo Lộc- như việc về quê hương- mới có thể khiến tôi vui mà thôi.
Tôi như một tù nhân bị giam lỏng. Tôi như là kẻ đã tự trói buộc tay tôi lại. Tôi thèm tự do. Tôi cần một niềm vui thật. Tôi muốn thật sự mỉm cười. Tôi ao ước một bửa ăn đơn sơ nhưng thật ngon. Tôi đã hằng lâu nay thèm cái cảm giác rờn rợn khi cúng ông bà, đưa ông táo, lạy bàn ông thiên, đốt nhang, đốt pháo… Tôi trông chờ ngày hai mẹ con tôi thật sự ăn tết. Tôi mòn mỏi vì ngày ấy không biết khi nào mới đến với chúng tôi. Có ích gì khi ta phải đóng vai làm điều này việc kia mà ta thấy ngượng ngùng. Có hay ho gì khi ta hát một bài mà ta không cảm, người nghe không thích, không có một tiếng vỗ tay và không một lời bình phẩm. Có đáng gì một ngày mồng một, ba ngày tết với biết bao nhiêu sự chuẩn bị, tốn phí. Cái kịch bản nào cũng phải được diển viên đọc trước và đồng ý, đúng không? Tôi hình dung ra được cái tết phải như thế nào nhưng tôi không biết diển như ra sao cho phù hợp với vai trò của tôi ở đây- người con nuôi với một tâm trạng. Sự có mặt của tôi trong nhà hay không chỉ làm má nuôi của tôi bận tâm mà thôi. Hải có bạn của nó. Ngọc có mấy cái rào cản, ngay trong cái nhà này- liếc mắt, châm chọc, khích bác, mỗi khi nàng tỏ thân thiện hay đi chơi với tôi. Bà má nuôi của tôi còn có bao nhiêu khách phải tiếp, bao nhiêu nơi phải đi đến, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu toan tính trong đầu. Tôi có phần trong tất cả những điều ấy.
Việc tôi xin phép bà má nuôi đi Bảo Lộc ngay sáng mồng hai tết trở thành điều dể hiểu, dể cảm thông và dể được mọi người trong cái gia đình đó chấp nhận. Má nuôi của tôi có lẻ thương tôi hoặc cảm thấy tội nghiệp cho tôi nhiều hơn.
Rạch Giá Feb7-10
Lương Ngọc Thành- Thành Xì TL 71-74
No comments:
Post a Comment